Penicillin - bạn đã bao giờ nghe qua loại nấm này chưa? Có thể cái tên này nghe hơi xa lạ nhưng chắc hẳn bạn đã quen thuộc với kháng sinh rồi chứ? Mỗi khi ốm chúng ta thường được kê đơn thuốc có chứa kháng sinh, nhưng có ai thật sự hiểu rõ kháng sinh là gì? Thật thú vị khi hầu hết mọi người đều chưa thực sự hiểu rõ về thứ mà chúng ta cho là "thần dược" trị bệnh này. Vậy nên, nếu bạn đang thắc mắc không biết chúng là gì, thì bài viết của Sata STEM dưới đây là dành cho bạn.
Một loại nấm thay đổi thế giới |
Nguồn gốc
Mọi chuyện bắt đầu tại một phòng thí nghiệm thuộc về nhà vi khuẩn học người Scotland - Alexander Fleming ở Luân Đôn vào năm 1928. Khi quay trở lại phòng thí nghiệm sau một kì nghỉ dài, trong lúc đang kiểm tra các đĩa nuôi cấy vi khuẩn, ông đã phát hiện ra điều khác thường: nấm xuất hiện trên đĩa và phát triển thành các tảng nấm. Xung quanh các tảng nấm, những mảng vi khuẩn đã bị phá hủy. Khi nghiên cứu hiện tượng bí ẩn này, Fleming nhận ra rằng nấm mốc đang tiết ra một hợp chất có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn. Và ông đã đặt tên cho hợp chất bí ẩn này là “Penicillin”.
Alexander Fleming |
Cái tên Penicillin này bắt nguồn từ một chi mà loại nấm sản xuất ra nó là một thành viên: chi nấm Penicillium. Chi này thuộc họ Trichocomaceae và có đến hơn 300 loài. Một số loài trong chi này dùng để làm ra những loại phomat tuyệt ngon như Phomat xanh của Pháp hay Phomat Gorgonzola mà chúng ta hay ăn trong pizza, trong khi số khác, tất nhiên, được dùng để điều chế kháng sinh penicillin.
Cơ chế hoạt động
Vậy loại nấm này chống lại vi khuẩn bằng cách nào? Điều mà Fleming tình cờ gặp phải là một hệ thống phòng thủ vi sinh vật. Nấm mốc penicillium liên tục sản xuất ra penicillin để tự vệ trước các vi khuẩn có thể cạnh tranh chất dinh dưỡng với nó. Vi khuẩn được bảo vệ bởi một lớp thành tế bào rất khó phá vỡ, và penicillin có tác dụng ngăn cho lớp thành tế bào này được tổng hợp. Chúng sẽ tấn công khi vi khuẩn thực hiện phân chia - cũng là lúc mà thành tế bào phải tái tạo lại - và phá vỡ sự hình thành màng. Do không còn lớp vỏ tế bào bảo vệ vững chắc, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt và chết đi. Vì vậy mà penicillin trở thành một loại thuốc phổ biến trong điều trị các căn bệnh từ đơn giản đến phức tạp.
Làm sao để dùng penicillin hiệu quả?
Penicillin là một trong những phát minh quan trọng của loài người - không chỉ trong lĩnh vực y học. Nhờ có nó mà hàng trăm triệu người trên thế giới đã được cứu sống. Khi mới được điều chế, một ca điều trị bằng penicillin có giá vô cùng đắt. Nhưng nhờ vào công nghệ ngày càng phát triển mà giá của chúng ngày càng giảm, đến mức ngày nay, hầu như ai cũng có thể dễ dàng tiếp cận với thuốc kháng sinh. Tuy nhiên điều này cũng gây ra những mối nguy hiểm tiềm tàng. Khi mà kháng sinh trở nên phổ biến, mọi người sẽ lạm dụng nó dẫn đến một số vi khuẩn trở nên kháng penicillin. Vũ khí của chúng là penicillinase, một loại enzim có khả năng phá hủy cấu trúc hóa học của penicillin, làm cho chúng không còn tác dụng. Điều này thực sự là một thảm hoạ. Bởi vì hầu hết các loại thuốc ngày nay đều có bản chất hoặc liên quan đến kháng sinh, vậy nên khi một vi khuẩn trở nên kháng thuốc đồng nghĩa với việc các bác sĩ sẽ không thể kê đơn thuốc để điều trị, dẫn đến căn bệnh vốn rất đơn giản sẽ trở nên nguy hiểm hơn nhiều, và điều này không một ai mong muốn cả.
Để giải quyết cho vấn đề này, điều quan trọng và cấp thiết nhất chính là thay đổi lại thói quen dùng thuốc của mọi người. Penicillin là một loại thuốc rất có ích và hiệu quả, nhưng chúng cũng không phải là thần dược có thể trị bách bệnh để con người sử dụng một cách thiếu kiểm soát. Do vậy cần phải sử dụng kháng sinh một cách hợp lý và thông minh để không biến kháng thuốc thành nỗi ám ảnh của nhân loại.